Tẩy giun cho chó: Hướng dẫn chi tiết cách tẩy giun 2024
Tẩy giun cho chó không chỉ đơn thuần là một việc làm cần thiết mà còn là trách nhiệm của mỗi người nuôi thú cưng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho chó mà còn ngăn ngừa những căn bệnh nghiêm trọng có thể lây truyền sang con người. Trong bài viết này, cùng Viphapet tìm hiểu chi tiết về tẩy giun cho chó, tác hại của giun sán, các loại giun thường gặp, lịch trình tẩy giun và cách thực hiện việc này đúng cách nhé.
Tại sao tẩy giun cho chó lại quan trọng?
Tác hại của giun sán
Giun sán gây ra rất nhiều những tác hại cho sức khoẻ của chó mèo như:
Suy giảm hệ miễn dịch: Khi chó bị nhiễm giun sán, hệ miễn dịch của chúng sẽ phải hoạt động liên tục để chống lại ký sinh trùng, đồng thời, những loài sinh vật có hại này cũng có thể tấn công vào hệ miễn dịch của thú cưng nhà bạn. Nếu lâu dần, dẫn đến suy yếu và khiến cơ thể dễ mắc các bệnh khác.
Chậm phát triển và suy dinh dưỡng: Giun sán sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột của chó, khiến chó không thể hấp thụ đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, ngày càng trở nên gầy gò, mệt mỏi.
Tiêu chảy kéo dài và mất nước: Giun sán trong đường tiêu hóa thường gây kích ứng niêm mạc ruột, dẫn đến tiêu chảy và mất nước nghiêm trọng, về lâu dài khiến chó bị suy giảm sức khỏe trầm trọng.
Thiếu máu nghiêm trọng: Một số loại giun như giun móc sẽ hút máu trực tiếp từ thành ruột, gây thiếu máu và suy nhược cơ thể, về lâu dài còn làm tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, phổi, tim,... dẫn đến tình trạng tử vong.
Giun sán gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ của chó
Tầm quan trọng của việc tẩy giun định kỳ
- Ngăn ngừa các bệnh do giun sán gây ra: Việc tẩy giun định kỳ theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ thú y sẽ giúp loại bỏ ấu trùng từ sớm, ngăn chặn được những tổn thương nghiêm trọng xảy ra trong tương lai.
- Đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của chó: Nếu không bị giun sán tấn công, hệ tiêu hóa của chó sẽ hoạt động hiệu quả, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này giúp chó phát triển bình thường, khỏe mạnh, lông mượt và bóng đẹp nhờ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chó khỏe mạnh sẽ năng động, hoạt bát và hình thành nên sức đề kháng tốt, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các căn bệnh khác.
- Phòng tránh lây nhiễm cho người và các vật nuôi khác: Nhiều loại giun sán có thể lây từ chó sang người hoặc từ chó sang các vật nuôi khác trong nhà. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, bởi đường lây nhiễm chủ yếu thông qua tiếp xúc với môi trường có chứa trứng giun.
- Tiết kiệm chi phí điều trị: Tẩy giun định kỳ là một biện pháp bảo vệ hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Chi phí cho mỗi lần tẩy giun chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, trong khi chi phí điều trị do giun sán có thể lên đến hàng triệu đồng. Đó là chưa kể đến thời gian và công sức của chủ nuôi khi chăm sóc chó bị bệnh.
Tầm quan trọng của việc tẩy giun định kỳ
Các loại giun thường gặp ở chó
Giun đũa
Giun đũa có hình dáng dài, giống như một sợi dây và có thể dài tới 15 cm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, và bụng phình to. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, giun đũa có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho chó, bao gồm suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch.
Giun móc
Giun móc là loại giun gây ra nhiều nguy hiểm cho chó. Chúng thường ký sinh trong ruột non và hút máu của vật chủ, dẫn đến tình trạng thiếu máu ở chó. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm giun móc bao gồm mệt mỏi, sụt cân, lợi và da nhợt nhạt.
Giun tim
Giun tim chủ yếu lây lan qua đường trung gian như muỗi đốt. Chúng ký sinh trong tim và mạch máu của chó, gây ra các triệu chứng như ho, mệt mỏi, và khó thở. Một con giun tim trưởng thành có thể dài hơn 30cm, nếu không được điều trị kịp thời, chó nhiễm giun tim có thể bị suy cơ tim, nặng hơn là tử vong.
Giun tóc
Giun tóc có kích thước nhỏ, thường gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và đau bụng. Đặc biệt, giun tóc có thể lây lan qua đất hoặc thức ăn ô nhiễm - môi trường mà chó thường tiếp xúc. Việc tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước nặng, suy nhược và sức đề kháng giảm.
Sán dây
Sán dây là loại thường ký sinh trong ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm gầy yếu, chán ăn, đốt sán trong phân, rối loạn tiêu hoá hoặc thậm chí là các triệu chứng thần kinh. Chúng có thể di chuyển đến các cơ quan như gan, phổi để lấy chất dinh dưỡng, khiến chó bị tổn thương, chậm lớn.
Cách tẩy giun cho chó chi tiết 2024
Tẩy giun cho chó con
2-3 tuần tuổi:
Việc tẩy giun cho chó con bắt đầu từ giai đoạn này, đây là thời điểm vô cùng quan trọng vì chó con có sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm giun từ mẹ. Trong giai đoạn này, cần sử dụng thuốc chuyên dụng với liều lượng phù hợp, kết hợp với việc theo dõi kỹ phản ứng của chúng sau khi tẩy giun. Trước khi thực hiện, chủ nuôi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để đảm bảo an toàn.
4-12 tuần tuổi:
Việc tẩy giun cần được thực hiện thường xuyên hơn để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn giun trong cơ thể chó con. Trong giai đoạn này, liều lượng thuốc sẽ được điều chỉnh theo cân nặng của chó. Đồng thời, lúc này việc tẩy giun nên được kết hợp với lịch tiêm phòng và các mũi vaccine cần thiết khác để bảo vệ toàn diện cho chó nhà bạn.
Trên 12 tuần tuổi:
Lúc này, bạn có thể giãn khoảng cách tẩy giun dần, nhưng vẫn duy trì việc theo dõi sức khỏe của chó. Dựa trên môi trường sống và tình trạng của chó mà tần suất tẩy giun có thể khác nhau. Chủ nuôi rất cần tạo lịch tẩy giun để theo dõi và cho uống nhắc lại định kỳ để bảo vệ chó.
Tẩy giun cho chó trưởng thành
Đối với chó trưởng thành, tần suất tẩy giun thường dao động từ 3-6 tháng một lần tùy thuộc vào môi trường sống và tình hình sức khoẻ. Cụ thể, những chú chó sống trong nhà thường tẩy giun 6 tháng một lần, trong khi chó được nuôi ở ngoài nên tẩy giun 3 tháng một lần.
Môi trường sống là yếu tố quan trọng bởi chó sống ngoài trời có nguy cơ nhiễm giun cao hơn khi chúng tiếp xúc với bên ngoài nhiều, giao lưu với những chú chó khác hay lăn lộn trong các bụi cỏ. Chế độ ăn cũng đóng vai trò đáng kể, chú chó nào thường ăn thức ăn sống sẽ có nguy cơ nhiễm giun/sán cao hơn. Cần lưu ý, khi chủ nuôi phát hiện các dấu hiệu nhiễm giun/sán, cần tiến hành tẩy giun/sán ngay.
Cách tẩy giun cho chó
Chọn thuốc tẩy giun
Loại thuốc:
- Thuốc viên: Dễ bảo quản, dễ cho uống và có liều lượng chính xác.
- Thuốc dạng siro: Thích hợp cho chó con hoặc chó không chịu uống uống viên.
- Thuốc tiêm: Hiệu quả, nhưng khiến chó đau và cần được thực hiện bởi người có chuyên môn hay bác sĩ thú y.
Tiêu chí chọn thuốc:
- Có tác dụng tốt, nếu được có thể diệt được nhiều loại giun cùng lúc.
- Phù hợp với độ tuổi và cân nặng của chó.
- Có ít tác dụng phụ và an toàn khi sử dụng.
- Có hướng dẫn sử dụng rõ ràng.
- Được sản xuất bởi các hãng uy tín, đã được kiểm định chất lượng.
Cách cho chó uống thuốc
Trước tiên, bạn cần lựa chọn loại thuốc tẩy giun phù hợp với độ tuổi và cân nặng của chó. Một số sản phẩm có thể không phù hợp cho chó con hoặc chó đang mang thai. Vì vậy bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Có thể cho chó uống bằng 2 cách sau:
- Trộn với thức ăn: Bạn nghiền nhỏ thuốc thành bột mịn, trộn với một lượng nhỏ thức ăn ưa thích của chó để chó dễ dàng ăn hết.
- Đặt trực tiếp vào miệng chó: Nhiều chú chó không thích uống thuốc, bạn cần giữ chúng trong tư thế thoải mái và an toàn, mở miệng chó nhẹ nhàng, đặt thuốc vào sâu trong miệng phía sau lưỡi, khép miệng, xoa vuốt cổ theo chiều dọc từ trên xuống để kích thích nuốt, cho chó uống nước để thuốc trôi xuống.
Lưu ý sau khi tẩy giun
Sau khi tẩy giun, bạn cần quan sát chú chó của mình kỹ lưỡng. Hãy chú ý các dấu hiệu như nôn mửa, tiêu chảy hay mệt mỏi. Một vài chú chó sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc và biểu hiện như trên. Nhưng khi triệu chứng nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ thú y để được hỗ trợ.
Bạn cần chuẩn bị đủ nước sạch và thức ăn nhẹ bụng cho chó. Đồng thời vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, nhất là dọn phân thật sạch để tránh việc tái nhiễm. Đồ dùng, ổ nằm của chó cũng cần được giặt, khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.
Các câu hỏi thường gặp
Khi nào là thời điểm tốt nhất để tẩy giun cho chó?
Thời điểm lý tưởng để tẩy giun cho chó thường là khi chó được 2 tuần tuổi, và sau đó cứ mỗi 3-6 tháng tùy thuộc vào lối sống, sức khỏe và môi trường sống của chúng. Nếu chó có dấu hiệu nhiễm giun như gầy yếu, bụng to hoặc lông xơ xác, bạn nên thực hiện tẩy giun cho chó ngay lập tức. Việc theo dõi lịch tẩy giun đều đặn sẽ giúp chó lẫn gia đình bạn luôn khỏe mạnh.
Có những loại thuốc nào để tẩy giun cho chó?
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc tẩy giun cho chó, bao gồm thuốc dạng viên, dạng lỏng và thuốc tiêm. Tùy thuộc vào loại giun mà chó mắc phải mà bạn cần chọn loại thuốc phù hợp. Nhưng hãy nhớ luôn tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi quyết định dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tẩy giun cho chó nhé!
Tẩy giun cho chó có tác dụng phụ không?
Hầu hết các loại thuốc tẩy giun cho chó đều an toàn nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ thú y. Tuy nhiên, một số chú chó có thể gặp phải tác dụng phụ nhẹ như nôn mửa, tiêu chảy hoặc mất cảm giác thèm ăn. Nếu thấy các triệu chứng trở nặng sau khi tẩy giun cho chó, bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y ngay để được tư vấn kịp thời.
Làm thế nào để chọn được loại thuốc tẩy giun cho chó phù hợp?
Để chọn được loại thuốc tẩy giun cho chó phù hợp, bạn nên xem xét độ tuổi, cân nặng và tình trạng sức khỏe của chó. Hãy chủ động tìm kiếm thông tin về thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để chọn được loại thuốc tốt nhất cho chó nhà mình nhé.
Kết luận
Tẩy giun cho chó thường xuyên không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho chó mà còn đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Hãy nhớ tẩy giun đúng cách và thăm khám sức khỏe định kỳ cho chó cưng của bạn để đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh, vui vẻ nhé.