Các câu hỏi về bệnh phổ biến
Câu 1: Chó bị bệnh Dại có biểu hiện như thế nào? Tiêm vaccine Dại cho chó lúc nào?
Các biểu hiện đặc thù ở chó Dại là những sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó, chẳng hạn như:
- Cắn khi không bị trêu chọc
- Ăn những thứ khác thường như gậy, móng tay …
- Chạy mà không có lý do rõ ràng
- Thay đổi trong âm thanh, ví dụ sủa khàn và gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng
- Tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép – nhưng không sợ nước
- Thay đổi thói quen thường ngày hoặc chết
Để phòng ngừa bệnh Dại, chủ nuôi nên tiêm vaccine Rabisin cho chó, mèo khỏe mạnh lúc 3 tháng tuổi và lặp lại hàng năm theo Pháp lệnh thú y.
Câu 2: Lịch tiêm phòng bệnh Dại cho chó nuôi như thế nào?
Chó con có nguồn gốc từ các nhà nhân giống chó đáng tin cậy, chó mẹ đã được tiêm vắc xin phòng dại trước khi mang thai. Khi sinh ra, chó con nhận được kháng thể chống bệnh dại từ mẹ truyền sang trong vòng 3 tháng đầu. Do đó, khuyến cáo nên tiêm phòng Rabisin cho chó vào các thời điểm 3 tháng tuổi trở đi sau đó nhắc lại hàng năm. Phải thường xuyên tẩy giun cho chó con và chó trưởng thành trước khi tiêm phòng.
Nếu mang chó con bị bỏ rơi về nhà nuôi, quy trình tiêm phòng cũng giống như ở trên (tại thời điểm 3 tháng tuổi, nhắc lại hàng năm).
Nếu mang chó trưởng thành bị bỏ rơi về nhà nuôi, lần tiêm chủng đầu tiên phải được tiến hành càng sớm càng tốt với sự tư vấn của bác sĩ thú y.
Câu 3: Bệnh nào nguy hiểm trên chó cần được tiêm ngừa?
Bệnh Carre hay còn gọi là bệnh sài sốt ở chó là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính của loài ăn thịt do virus gây ra, chó bị sốt, viêm cata niêm mạc dạ dày và ruột khiến cho chó khát nước, nôn mửa, tiêu chảy, lúc đầu phân loãng, màu xám vàng, có bọt. Sau đó phân lẫn máu hoặc niêm mạc ruột chuyển dần sang màu cafe nhạt. Số lần đi tiêu khoảng 5-7 lần 1 ngày khiến cho chó vô cùng mệt mỏi, da nhăn nheo. Chó bị viêm mũi, thanh quản, phế quản dẫn đến viêm phổi khiến chó bị khó thở, nhịp thở tăng nhanh, chảy nước mũi, lúc đầu loãng sau đó đặc dần, nước mũi có màu xanh và dịch nhày, có thể có máu đen do xuất huyết kèm theo, nổi mụn ở da và có triệu chứng thần kinh. Virus Carre vô cùng nguy hiểm, bệnh có mặt ở khắp mọi nơi, nên mọi giống chó đều có nguy cơ mắc bệnh. Chó ngoại nhập có độ tuổi từ 2 – 12 tháng tuổi. Đặc biệt là chó non khoảng 4 tháng tuổi có tỷ lệ mắc bệnh Carre và chết rất cao. Với những chú chó trên 1 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng sẽ ít hơn so với chó non.
Bệnh Parvo còn được gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở chó do virus gây ra. Chó con từ 1-6 tháng tuổi có tỷ lệ chết rất cao, từ 90-100%. Chó trên 6 tháng tuổi thường có 1 sức đề kháng tự nhiên với bệnh. Nhiều con trong đó chỉ có biểu hiện tiêu chảy thoáng qua. Chó trưởng thành 1-2 năm tuổi vẫn có thể mắc bệnh Parvo ở chó. Tuy nhiên ở độ tuổi này thì bệnh Parvo không gây chết. Nhưng virus có thể cư trú trong cơ thể chó trưởng thành và từ đó lây lan ra môi trường. Chó bị sốt kéo dài từ khi phát bệnh cho đến khi có các triệu chứng lâm sàng. Đôi khi chó không sốt hoặc nhiệt độ hạ. Chó mệt mỏi, ủ rũ, nôn mửa, bỏ ăn. Nguyên nhân là do virus làm tê liệt hệ thống tiêu hóa của chó, khiến cho thức ăn không thể hấp thụ được. Càng cho chó ăn sẽ càng khiến chó bị nôn nhiều hơn. Do đó chó sẽ ủ rũ và kiệt sức nhanh chóng. Chó bị tiêu chảy cấp, xuất huyết ruột. Trong phân có lẫn niêm mạc ruột và chất keo nhầy. Phân có màu hồng hoặc máu tươi. Kết hợp với 1 vài chất khác khiến phân có mùi tanh khắm vô cùng khó chịu. Do bị tiêu chảy và xuất huyết nên chó bị mất nước và chất điện giải rất nhanh khiến niêm mạc nhợt nhạt, hố mắt trũng sâu.
Hai bệnh Carre và Parvo rất khó điều trị, tỷ lệ chết cao, nên phòng ngừa là chính.
Phòng bệnh bằng cách tiêm phòng cho chó từ 6-7 tuần tuổi bằng vaccine 5 bệnh Recombitek C4 hoặc 7 bệnh Recombitek C6/CV.
Câu 4: Chó bị ghẻ máu (xà mâu) thì cần làm gì?
Bệnh ghẻ trên chó là tên gọi chung cho các bệnh gây ra bởi ngoại ký sinh trùng là Demodex (xà mâu), Sarcoptes (cái ghẻ) hay còn tên gọi khác là ghẻ máu.
Cái ghẻ (Sarcoptes) thường gây ra cơn ngứa dữ dội. Chó có thể không ngừng gãi hay gặm da cho bớt ngứa. Da chó tấy lên,rỉ dịch do gãi và cắn liên tục nên dễ dàng bị nhiễm trùng. Cảm giác ngứa có thể khó chịu đến mức chó quên cả những nhu cầu thiết yếu như ăn, uống hay nghỉ ngơi.
Bệnh ghẻ cục bộ do ký sinh trùng Demodex (bệnh xà mâu) ít nghiêm trọng hơn Sarcoptes, thường gây ra một hoặc hai mảng "lông thưa" hay trụi lông. Vị trí bắt đầu có thể là xung quanh mắt, miệng, chân, lưng, mông, ngực, … Thường thì mảng da nhỏ này sẽ không bị viêm hay kích ứng nhiều và không gây ngứa nghiêm trọng như Sarcoptes. Ghẻ Demodex cục bộ không tự khỏi, bệnh có thể lan rộng ra phần còn lại trên cơ thể chó, dẫn đến ghẻ lở toàn thân. Những mảng lông thưa hoặc trụi sẽ phát triển nhiều hơn trên cơ thể chó với đường kính có khi xấp xỉ 2,5 cm. Da ở những vùng này sẽ trở nên đỏ, có vảy, và/hoặc cứng. Chó gãi nhiều dẫn đến viêm da, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Một số bệnh viêm nhiễm thứ phát cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như trường hợp mắc cái ghẻ.
Bệnh có thể lây sang chó khỏe ở cùng một nhà.
Nếu đã xác định được do một trong hai loại ghẻ trên thì nên dùng Nexgard hoặc Nexgard Spectra để điều trị cho chó: mỗi tháng dùng 1 viên (liên tục ít nhất 3 tháng), tiếp tục dùng hàng tháng cho việc phòng bệnh. Vệ sinh chuồng, giặt nệm lót sạch sẽ. Có thể tắm chó bằng các xà phòng chuyên dụng cho ghẻ hoặc không cần, tùy điều kiện cho phép.
Câu 5: Bệnh giun tim là gì? Biểu hiện như thế nào?
Là bệnh ký sinh do giun tròn Dirofilaria immitis gây ra, giun trưởng thành ký sinh ở tim và động mạch phổi, làm giãn tim, tắc nghẽn động mạch phổi và có thể gây chết chó/ mèo bất cứ lúc nào.
Khi muỗi hút máu chó/ mèo mắc bệnh giun tim, chúng hút luôn cả ấu trùng giun tim. Những con muỗi mang ấu trùng giun tim này hút máu những chó/ mèo khác, và truyền những ấu trùng này vào cơ thể của những con thú mới.
Giun tim trưởng thành làm tắc nghẽn buồng tim và các mạch máu lớn lưu thông từ tim đến phổi, đồng thời cũng làm tổn hại các cơ quan khác như gan, phổi. Thú bị nhiễm giun tim không được điều trị thường chết.
Không phải tất cả chó nhiễm giun tim đều có biểu hiện rõ ràng, chỉ khi thú bị nhiễm giun tim trầm trọng mới thấy một vài triệu chứng: ho, bơ phờ, mệt mỏi, hay ngất xỉu, lười vận động, có thể sụt cân và thể trạng giảm sút, thiếu máu, khó thở… Cần nhanh chóng cho thú cưng đi khám thú y để kiểm tra máu.
Điều trị giun tim trưởng thành trên chó không dễ dàng và chi phí cao, nhưng có thể khắc phục được điều này thông qua việc áp dụng chương trình phòng ngừa giun tim bằng viên nhai Heartgard hàng tháng cho chó từ 6 tuần tuổi hoặc Broadline nhỏ gáy cho mèo từ 7 tuần tuổi.
Câu 6: Khi mới mang chó con về nuôi cần phòng bệnh truyền nhiễm như thế nào?
Chó con hoặc chó dưới 6 tháng tuổi được mang từ nơi khác về dù đã được tiêm phòng hay chưa tiêm phòng cần được theo dõi sức khỏe trong 7-10 ngày để chó được ổn định về chỗ ở.
Nếu chó đã được tiêm phòng, cần phải chắc chắn có Sổ sức khỏa với đầy đủ nhãn dán của vaccine được tiêm (1 liều vaccine đầy đủ phải được dán 2 nhãn), có ngày tiêm phòng ấn định tiếp theo ghi trong Sổ sức khỏe, đúng lịch tiêm phòng, bạn mang chó và Sổ đến phòng khám thú y để được tư vấn và hướng dẫn tiêm loại vaccine phù hợp.
Nếu chó chưa được tiêm phòng gì, sau khi theo dõi 7-10 ngày, nếu chó đã trên 1.5 tháng tuổi cần được tẩy giun bằng Heartgard, sau 7 ngày nếu sức khỏe ổn định, mang chó đến Phòng khám thú y để được tiêm phòng vaccine – phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho chó như Carre, Parvo, Phó cúm, Viêm Gan, Lepto, Corona, … Bác sĩ thú y sẽ tư vấn quy trình vaccine và chăm sóc sức khỏe phù hợp cho từng giống chó.
Thông thường, quy trình vaccine cơ bản ít nhất 3 Mũi bắt đầu:
Mũi 1: 6-7 tuần tuổi, vaccine 5 bệnh Recombitek C4
Mũi 2: 9-10 tuần tuổi, vaccine 7 bệnh Recombitek C6/CV
Mũi 3: 12-13 tuần tuổi, vaccine 7 bệnh Recombitek C6/CV và vaccine Dại Rabisin
Mũi 4: giành cho các giống chó nhạy cảm với bệnh Parvo như Rottweiler, Doberman, Becgie,…
Hoặc bắt đầu Mũi 1 trễ hơn (lúc 8-9 tuần tuổi) đối với các giống chó có tầm vóc nhỏ như Chihuahua, Phốc sóc, Toy Poodle, …
Câu 7: Chó bị ve, rận, bọ chét nhiều phải làm sao?
- Cách 1: đơn giản, hiệu quả: diệt ve, bọ chét nhanh trên cơ thể chó bằng các loại sau: xịt bằng Frontline Spray, nhỏ gáy Frontline Plus/Frontline Tri-Act, cho ăn viên nhai Nexgard/Nexgard Spectra.
- Cách 2: tắm chó chó bằng dầu tắm/nước thuốc diệt ve chó/các loại lá dân gian
- Cách 3: bắt ve chó trên cơ thể: dùng lược để tách riêng từng khu vực lông, dùng nhíp để bắt ve, cho ve vào lọ đựng cồn và sau đó bôi thuốc sát trùng vào các vị trí bị ve cắn.
Câu 8: Tại sao nên tiêm vaccine vào buổi sáng?
Tiêm vaccine vào buổi sáng để có thời gian quan sát, theo dõi con vật sau khi tiêm, kịp thời xử lý cấp cứu các trường hợp Phản ứng sau khi tiêm như dị ứng, sốc phản vệ, … vì bất kỳ sản phẩm sinh học nào cũng có tác dụng phụ không mong muốn với tỷ lệ rất thấp 1/15.000 – 1/10.000 nhưng vẫn có thể xảy ra tùy cơ thể.
Câu 9: Các phản ứng quá mẫn, dị ứng, sốc phản vệ thường xảy ra trên loại vaccine nào? Phải làm sao biết con vật bị dị ứng sau khi tiêm thuốc hoặc vaccine?
Vaccine thường có các phản ứng quá mẫn tức thì, dị ứng, sốc phản vệ là vaccine chết bệnh do Leptospira, vaccine vô hoạt phòng bệnh Dại có chất bổ trợ, vaccine phòng FeLV và bệnh hô hấp trên mèo.
Nếu con vật đã có tiền sử bị dị ứng bởi bất kỳ thuốc hay vaccine thì nên báo ngay với BSTY để cùng thảo luận nên tiêm vaccine hay không và có phương pháp dự phòng khác.
Phản ứng dị ứng thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi tiêm:
- Chó: phù mặt, ngứa (ngứa và gãi), tụt huyết áp, yếu, khó thở, tiêu chảy và nổi nốt ban (nốt mẫn đỏ trên da (mề đay)
- Mèo: ngứa mặt, tiết nước bọt, khó thở, suy sụp, suy hô hấp từ phù phổi cấp đến nôn mửa, tiêu chảy và nổi ban
Cần mang ngay động vật đến BSTY gần nhất để kịp thời cấp cứu.
Câu 10: BSTY cần làm gì để hạn chế tối đa các Phản ứng sau khi tiêm?
- Hỏi kỹ lịch sử dị ứng của con vật trước khi tiêm
- Cảnh báo với chủ vật nuôi về xác suất xảy ra Phản ứng khi tiêm chủng dù rất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra với tỷ lệ 1/15.000 – 1/10.000 ca.
- Sửa đổi lịch tiêm chủng để giảm lượng kháng nguyên đưa vào cơ thể cùng lúc,
- Tiêm chủng buổi sáng để chủ vật nuôi về nhà có thời gian theo dõi sau tiêm
- Có thể dùng thuốc kháng histamine hoặc glucocorticoid tác động ngắn 20 phút trước khi tiêm chủng - nó không làm ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch.
- Chuyển sang vaccine sống nhược độc (MLV) thay vì các sản phẩm vô hoạt có chất bổ trợ
- Đường tiêm dưới da ít phản ứng hơn tiêm bắp
- Kéo nhẹ ống bơm trước khi tiêm để xác định đúng vị trí tiêm (bất kỳ vaccine nào cũng theo đường toàn thân, vào mạch máu)
- Thử trước khi tiêm cho thú bằng cách tiêm trong da 0,1 ml nghi gây sốc phản vệ và theo dõi tại vị trí tiêm ít nhất 1 giờ (nên tiêm nước muối và histamin ở vị trí khác để so sánh).
Câu 11: Tại sao tất cả các vaccine cho chó trên thị trường đều là chủng kháng nguyên CAV-2 (Adeno virus type 2)?
Vì CAV-1 (phòng bệnh viêm gan truyền nhiễm trên chó) gây phản ứng dị ứng quá mẫn type 3 chậm trên chó là Viêm màng bồ đào xảy ra ở một số chó được tiêm vaccine MLV CAV-1, đây là phức hợp virus - kháng thể trong mắt chó.
Trong khi đó CAV-2 (Adeno virus type 2) phòng bệnh Hô hấp phức hợp và tạo miễn dịch chéo – phòng cả Bệnh Viêm gan truyền nhiễm.
Câu 12: Tại sao sau khi tiêm vaccine chó/mèo thường tặng thân nhiệt và ủ rủ ngắn hạn?
Giống như ở trẻ em, con vật cũng có các biểu hiện sốt, ủ rủ ngắn hạn sau khi tiêm vaccine (nhất là các vaccine sống nhược độc – MLV) vì khi các kháng nguyên MLV vào cơ thể sẽ xảy ra các “phản ứng đáp trả” chứng tỏ Hệ miễn dịch của cơ thể đang làm việc, đáp ứng với vaccine. Triệu chứng này thường không kéo dài hơn 1-2 ngày sau khi tiêm chủng và được ghi trên toa nhãn của các loại vaccine nhằm cảnh báo. Vì vậy hãy đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng và các tác dụng phụ trước khi dùng.
Câu 13: Tại sao không tiêm vaccine cho chó/mèo mang thai?
Nếu tiêm vaccine sống nhược độc (MLV) trong giai đoạn mang thai, nhiễm bệnh từ vaccine có thể gây dị tật cho thai, chết thai, vô sinh hoặc sảy thai.
Vì vậy khuyến cáo chung là không bao giờ sử dụng vaccine sống nhược độc (MLV) cho vật nuôi đang mang thai.