Giỏ hàng

Bệnh dại ở chó, mèo

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do vi rút dại gây ra, tấn công vào hệ thần kinh của nhiều loài động vật, bao gồm cả chó, mèo, một số loài động vật hoang dã và đặc biệt là cả con người. Bệnh dại cực kì nguy hiểm, một khi đã lên cơn dại thì chắc chắn sẽ tử vong.
 

Đường lây truyền

Bệnh dại lây qua nước bọt, vết cắn, vết trầy xước của con vật nhiễm bệnh, khi nước dãi chứa vi rút dại tiếp xúc với bên trong cơ thể, như khi chó mèo liếm vết thương, tiếp xúc niêm mạc miệng hay mũi của con người. Vi rút có thể tồn tại trong cơ thể vài tuần đến vài tháng trước khi xuất hiện triệu chứng cụ thể. Phần lớn ở chó, bệnh sẽ phát trong vòng từ 21 - 80 ngày sau khi bị nhiễm.

 

Triệu chứng và các thể của bệnh dại

Hầu hết các con vật bị bệnh dại sẽ có các biểu hiện liên quan đến thần kinh. Các hành vi của con vật thay đổi nhanh chóng như: bỏ ăn, lo lắng hoặc kích động, hung hăng. Con vật có thể trở nên lẩn tránh, hoặc ngược lại những con vật không thân thiện lại đột ngột trở nên dễ gần.
Bệnh dại thường chia thành 2 thể:
- Thể điên loạn: Con vật nhiễm bệnh trở nên hung hăng, cáu kỉnh và tấn công người hay động vật khác bằng răng và móng dù chỉ với một khiêu khích nhỏ nhất. Con vật luôn cảnh giác, lo lắng, đồng tử mắt mở to, nhạy cảm với tiếng động, không còn biết sợ. Khi bệnh tiến triển, con vật co giật, mất dần phản xạ của cơ. Con vật tử vong do liệt dần dần.


- Thể bại liệt (thể câm): Biểu hiện bệnh thường gồm liệt cổ họng và cơ hàm, con vật chảy nước dãi nhiều và không thể nuốt, hàm dưới thường trễ xuống. Con vật bị bệnh dại ở thể này thường không hung hăng hay muốn cắn. Chủ nuôi có thể bị nhiễm khi kiểm tra mõm của vật nuôi hoặc cho uống thuốc bằng tay không. Con vật liệt dần toàn thân và chết sau vài giờ.
Việc chẩn đoán bệnh dại rất khó khăn, các thời kì đầu của bệnh có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Cách duy nhất để xác định chính xác là xét nghiệm bằng mẫu bệnh phẩm lấy từ con vật khi đã chết.

Kiểm soát bệnh dại

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có những hướng dẫn cụ thể để kiểm soát bệnh dại ở chó, mèo. Trong đó, việc tiêm phòng bệnh dại là quan trọng nhất. Tỉ lệ tiêm phòng dại ở chó, mèo càng cao (ít nhất 70%) thì nguy cơ lây nhiễm dại ở vật nuôi và con người có thể giảm một cách rõ rệt.
Hãy mang chó, mèo tới trạm thú y, các phòng khám thú y để được tiêm phòng dại định kỳ hàng năm, để bảo vệ cho cả vật nuôi và người nuôi nhé!

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Facebook Youtube Top